Thế giới của những người tay chiêu

Một cộng đồng gần một tỉ người mới được chú ý khoảng bốn mươi năm trở lại đây và có nhiều phát hiện thú vị: những người thuận tay trái. …

Các nhà khoa học nhận thấy rằng số lượng người thuận tay trái đang ngày càng tăng dần. Hiện nay, toàn thế giới có khoảng 900 triệu người "tay trái" và đến năm 2020, con số này sẽ là hơn 1 tỷ. Số trẻ em thuận tay trái được sinh ra vào năm 2005 tăng gấp đôi so với năm 1999.

Vậy con số này có ý nghĩa như thế nào?
Các kết quả nghiên cứu chính thức cho thấy tại nhiều quốc gia chỉ số thông minh (IQ – Intelligent Quotient) của những người thuận tay trái cao hơn so với người thuận tay phải. Cứ mỗi 5 người xuất chúng thì có một người thuận tay trái. Ngoài ra, cũng hiếm có người "tay phải" nào trong số những người có khả năng thần giao cách cảm, nhận biết nhiều dạng âm thanh, màu sắc khác nhau, có trí nhớ tuyệt vời…

Theo các nhà khoa học, mặc dù dân "tay trái" và "tay phải" có khả năng hòa nhập tốt với nhau nhưng bên trong họ cũng có những cuộc đấu tranh về tiến hóa. Trong cuộc đua đó, dân "tay trái" tỏ ra lợi thế hơn khi họ có chỉ số IQ cao hơn và các khả năng đặc biệt cũng đa dạng hơn dân "tay phải".

Hiện tượng thuận tay trái có thể được giải thích là do gien di truyền và do một số hiện tượng tự nhiên trùng hợp nhưng không dễ lý giải tí nào. Kết quả một cuộc nghiên cứu gần đây cho kết quả đáng ngạc nhiên. Sau khi theo dõi 20.000 người, những người "tay trái" được sinh ra bởi những bà mẹ trên 30 tuổi. Chưa kể, họ là những đứa trẻ bị sinh non.

————-

Theo tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường đại học Quốc gia Australia, những người thuận tay trái thường tư duy nhanh hơn người thuận tay phải và đặc biệt là có khả năng truyền thông tin nhanh trong hoàn cảnh phức tạp.

Theo các nhà khoa học, việc thuận tay phải hay tay trái là một đặc tính di truyền như màu mắt hoặc giới tính…, chứ hoàn toàn không phải là dị tật bẩm sinh. Hai bán cầu não được nối với nhau bằng một vòm não gồm nhiều dây thần kinh. Mỗi nửa bán cầu não có nhiệm vụ chỉ huy mọi hoạt động của nửa cơ thể ở vị trí đối diện. Ở người thuận tay phải, mọi hoạt động của tay do bán cầu não trái chỉ huy và ngược lại.

Trong trường hợp người thuận tay trái bị buộc dùng tay phải một cách thường xuyên, điều này sẽ hạn chế khả năng chỉ huy của phần bán cầu não mạnh hơn (ở đây là bán cầu não phải) và phần bán cầu não yếu hơn (bán cầu não trái) sẽ bị "làm việc" quá tải.

Do đó, các nhà khoa học khuyến cáo không nên thay đổi bản năng sử dụng tay trái của người thuận cánh tay này, vì như vậy có nghĩa là can thiêp thô bạo vào khả năng hoạt động của não và có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho cuộc sống của họ, như trong việc tư duy, tập trung suy nghĩ hay khả năng điều khiển cá nhân…

Những ai thuận tay trái sẽ thực hiện tốt hơn những người thuận tay phải các nhiệm vụ nhanh, phức tạp đòi hỏi việc xử lý cùng lúc nhiều thông tin hoặc chịu nhiều tác động bên ngoài.

Chẳng hạn người thuận tay trái sẽ chơi tốt hơn các trò chơi điện tử đòi hỏi thao tác nhanh, hoặc vừa nói chuyện vừa lái xe trong tình trạng ùn tắc giao thông, hay điều khiển một chiếc máy bay chiến đấu phản lực – những hoạt động đòi hỏi cả hai bán cầu não cùng xử lý thông tin.

Các nghiên cứu trước cũng cho thấy bán cầu não và phải giao tiếp và hợp tác với nhau tốt hơn ở người thuận tay trái, bởi thông tin truyền từ bên này sang bên kia nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Tiến sĩ Nick Cherbuin tại Đại học quốc gia Australia cho biết não người thuận tay trái có cấu tạo hơi khác biệt một chút so với người thuận tay phải bởi nó có xu hướng cân đối hơn với đường kết nối lớn và nhanh hơn giữa 2 bán cầu.

"Thông thường chúng ta phải huy động cả hai bán cầu não khi nhiệm vụ quá nhanh và phức tạp, và một bán cầu não không đủ nguồn lực để đối phó", Cherbuin nói. "Khi bộ não già đi chúng ta sẽ mất đi nguồn lực ở cả hai bán cầu não nhưng người thuận tay trái sẽ ứng phó tốt hơn bởi việc chia sẻ nguồn lực giữa 2 bán cầu hiệu quả hơn".

Cherbuin, thuận tay phải, cho biết con số 7-10% những người thuận tay trái đã tự thích nghi với thế giới bằng cách sử dụng đến tay phải nhiều hơn.

————-

Một số nhà khoa học cho rằng những người thuận tay trái thường có trí tưởng tượng phong phú hơn người thuận tay phải và có năng khiếu bơi lội. Người thuận tay trái còn thuận cả chân trái. Nếu họ là cầu thủ hoặc làm nghệ thuật thì rất dễ trở thành nổi tiếng.

Trên thế giới có hàng triệu người thuận tay trái, nhưng phần lớn họ bị xã hội ép buộc phải sử dụng tay phải. Từ lâu, vấn đề này xảy ra nhiều tranh luận trong nhà trường và gia đình. Đây là một lĩnh vực y học, nhưng lại được nhiều nhà tâm lý học, nhân chủng học, xã hội học… quan tâm nghiên cứu.

Não gồm hai bán cầu đại não. Bán cầu trái điều khiển vận động và cảm giác cho nửa người phải và còn là trung tâm của ngôn ngữ, tư duy, chỉ đạo việc tính toán, nhớ các từ vựng. Bán cầu phải điều khiển vận động, cảm giác nửa người trái, kiểm soát 5 giác quan: thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Đại não phải còn điều khiển những ý tưởng khái quát và tư duy. Ở người thuận tay trái, bán cầu phải hoạt động mạnh hơn. 40% người trong số họ có trung tâm ngôn ngữ ở não phải. Ở 60% còn lại, trung tâm ngôn ngữ nằm ở não trái hoặc cả hai bên. Hai bán cầu não có những đường dẫn truyền nối liên thông với nhau. Như vậy, một số người thuận tay trái được cả hai bán cầu não chỉ huy trung tâm ngôn ngữ và tư duy, có thể vượt trội hơn người khác.

Có nhiều nghiên cứu về người thuận tay trái. Các nhà nhân chủng học dựa vào những công cụ cách đây 10.000 năm được sử dụng bằng cả hai tay và cho rằng 50% người cổ đại thuận tay phải, 50% thuận tay trái. Nhưng đến khoảng 3.500 năm trước công nguyên, những công cụ đó được chế tạo chỉ để sử dụng cho tay phải. Vào khoảng 3.000-2.000 năm trước công nguyên, ở vùng Trung Cận Đông, người Phoenic phát minh ra hệ thống chữ viết đầu tiên, viết từ phải sang trái. Đến thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, người Hy Lạp lại viết chữ bắt đầu từ trái sang phải, bởi vì họ có một niềm tin rằng “phải” là tốt và “trái” là xấu.

Cho đến nay vẫn có nhiều phong tục liên quan đến “trái” là xấu. Người thuận tay trái cũng bị rơi vào tình trạng đó. Để biết được ai là người thuận tay trái, có một trắc nghiệm để thử: Cho một người vẽ một đường tròn (tất nhiên phải thật tròn) bằng tay phải, sau đó đổi sang tay trái. Nếu họ vẽ vòng tròn theo chiều kim đồng hồ, thì có thể anh ta thuận tay trái. Nếu vẽ ngược chiều kim đồng hồ thì thuận tay phải. Nhưng có một số người vẽ được vòng tròn theo cả hai chiều kim đồng hồ. Vậy trắc nhiệm này chỉ là tương đối.

Thuận tay trái đã trở thành một vấn đề xã hội. Cho đến nay, nền giáo dục phát triển, trình độ học vấn ngày càng cao, nhiều người biết đọc, biết viết. Trẻ em đến trường bị bắt buộc viết tay phải. Từ năm 1930, ở Mỹ, một vài thầy giáo đã cho phép học sinh viết tay trái. Ngày nay, trên các châu lục, trẻ thuận tay trái vẫn bị ép buộc viết tay phải. Một số trẻ em thuận tay trái nhìn chữ ngược, chúng đọc chữ “d” thành chữ “b”, đọc “tí” thành “ít”. Có một số trẻ em nói lắp khi chúng bị ép buộc viết bằng tay phải. Thân sinh của nữ hoàng Elizabeth II là vua George khi còn bé đã chuyển viết từ tay trái sang tay phải và sau đó ông bị nói lắp suốt cả cuộc đời.

————-

Ấn tượng và bất công trong xã hội
Nhiều người thuận tay trái phản đối bất công xã hội vì coi trọng bên phải hơn bên trái. Trong tiếng Việt, chữ "phải" đồng nghĩa với "đúng", "trúng", "thuận", "đồng ý"; còn chữ "trái" có nghĩa "sai", "ngược ý", "trật". Những ngôn ngữ khác cũng thế: tiếng Anh right, tiếng Đức, tiếng Hà Lan recht… có nghĩa "đúng"; tiếng Pháp droit có nghĩa "phải", "quyền lợi"; tiếng Tây Ban Nha diestro có nghĩa "phải", "rành nghề", "khéo tay"… Từ sinister trong tiếng Anh có nghĩa là "ác, nham hiểm, xui", có gốc từ tiếng Latin có nghĩa là "tay trái".

Trong tiếng Hoa từ "tả" có nghĩa "không đúng đắn", "gian tà"; thí dụ "tả đạo". Cho đến nay vẫn có những gia đình bảo thủ đánh đập con cái bắt phải đổi thuận tay trái sang tay phải.

Trong tiếng Thụy Điển, cụm từ venstrehåndsarbeid có nghĩa đen là "việc làm bằng tay trái" nhưng có nghĩa bóng là "công việc làm cẩu thả không ra gì".

Chữ tiếng Anh ambidexterity có nghĩa là "thuận cả hai tay" nhưng thật ra là chữ lấy từ tiếng Latin có nghĩa là "hai bên đều là tay phải" (dexter có nghĩa là "phải").

Trong tiếng Việt, các cụm từ như "làm nghề tay trái" chỉ công việc phụ, không đúng chuyên môn; "ngang trái", "trái khoáy" chỉ tính chất ngược với thông lệ.

————-

Người thuận tay trái nhanh nhẹn hơn hẳn người thuận tay phải. Theo thống kê, 15 em trong đội đấu kiếm Pháp thì có 8 em thuận tay trái. Một thời gian, già nửa các thành viên trong đội tuyển bóng bàn Trung Quốc không thuận tay phải… Không những hoạt bát hơn, nếu chịu khó luyện tập tay trái, bạn sẽ thông minh hơn đấy!

Não bộ chia thành 2 bán cầu: trái và phải. Mỗi bên có chức năng thiên về các hoạt động ở phía kia của cơ thể. Bán cầu trái chi phối phần lớn hoạt động của nửa phải cơ thể, có quan hệ đặc biệt với sự phát triển ngôn ngữ, gọi là "bán cầu ưu thế ngôn ngữ". Ở đây, các xung cảm giác tập hợp ở mức cao nhất để hình thành tín hiệu ngôn ngữ và khái niệm trừu tượng. Do đó, chức năng của bán cầu trái thiên về giai đoạn nhận thức lý tính, và hình thành tư duy trừu tượng.

Bán cầu não phải chi phối nửa bên trái cơ thể. Thông qua sự chỉnh hợp, các xung cảm giác tạo ra hình ảnh cụ thể về vạn vật, con người, không gian và thời gian. Do đó, bán cầu phải thiên về giai đoạn nhận thức cảm tính, gọi là "bán cầu ưu thế không lời".

Bán cầu não trái điều khiển tay phải, bán cầu não phải điều khiển tay trái. Nếu ta vận động tay (nhất là ngón tay), ta có thể kích thích tế bào não ở khu vực nhất định, làm cho não phát triển. Điều đó có nghĩa là, nếu người nào thường dùng tay phải, não trái sẽ phát triển hơn, và ngược lại.

Quá trình từ thị giác tới phản ứng ở người thuận tay phải và tay trái có khác nhau. Ở người thuận tay phải, đường nối thần kinh có dạng: "bán cầu não phải – bán cầu não trái – tay phải". Ở người thuận tay trái: "bán cầu não phải – tay trái". Rõ ràng, thông tin từ thị giác đến động tác ở người thuận tay trái bớt được một khâu, do đó anh ta phản ứng nhanh hơn.

Người thuận tay phải, mỗi lần dùng tay trái đều cảm thấy ngượng ngịu, thậm chí không làm nổi việc như cầm đũa chẳng hạn.

Nên rèn luyện tay trái ra sao?
Thực tế, hai bán cầu não vừa có sự phân công, hợp tác, bổ sung, vừa hạn chế và bù đắp cho nhau. Thông thường, hai bán cầu não hợp tác với nhau cùng hoạt động. Nhờ vậy, bạn mới có các cử động chính xác. Bạn luyện tập tay trái, không có nghĩa là để biến mình thành người thuận tay trái, mà chỉ tăng cường hoạt động phía bên trái, kích thích sự phát triển đồng đều của não bộ.

Bước thứ nhất, bạn có thể co duỗi ngón tay trái, lần lượt từng ngón một. Làm đi làm lại cho đến khi thành thạo. Bước thứ hai, làm một số việc khéo léo bằng tay trái, như xâu kim, vẽ tranh. Bước thứ ba, hãy làm bằng tay trái những việc trước kia chỉ có tay phải mới làm được cho đến khi thành thạo. Hãy kiên trì, bạn sẽ dần thấy rằng, không những bạn có đôi tay khéo léo, mà cơ thể cũng sẽ nhanh nhẹn hơn, nghĩ được nhanh hơn. Trí thông minh phát triển rõ rệt!

Sau cùng, thuận tay phải hay thuận tay trái đều do bẩm sinh. Có người coi thuận tay trái là một tật xấu, ra sức sửa chữa. Điều này rất sai lầm. Các nhà khoa học đã làm cuộc phỏng vấn ở hai nhóm trẻ em: Nhóm thứ nhất gồm các em thuận tay trái được "sửa chữa" thành thuận tay phải, và nhóm thứ hai gồm các em thuận tay trái tự nhiên. Kết quả, nhiều em ở nhóm thứ nhất nói năng không lưu loát, trí lực phát triển chậm. Nhóm thứ hai ngược lại: Các em trả lời lưu loát như mọi đứa trẻ bình thường khác. Như vậy, việc cố công sửa chữa cho người thuận tay trái chỉ có hại.

————-

Ngày quốc tế người thuận tay trái
Một ngày lễ hai nguồn gốc
Về Ngày quốc tế người thuận tay trái hiện có hai nguồn tin khẳng định về nguồn gốc của nó. Một nguồn tin cho rằng vào năm 1984 đã diễn ra Hội thảo quốc tế người thuận tay trái để bảo vệ quyền lợi của họ. Hội thảo quyết định lấy ngày 13.8 là Ngày quốc tế người thuận tay trái. Một nguồn tin khác (dường như chính xác hơn) khẳng định, vào năm 1990 tại Anh quốc thành lập CLB những người thuận tay trái và 2 năm sau – ngày 13.8, được các thành viên của CLB này quyết định lấy làm Ngày quốc tế người thuận tay trái.

Vào ngày này tại nhiều nơi trên thế giới diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, trong đó những người "tay chiêu" còn đề nghị những người thuận tay phải làm các việc chỉ bằng tay trái. Chẳng hạn, mở một nút chai rượu, hay sử dụng chiếc rìu bình thường chẻ củi bằng tay trái. Người ta cũng tặng nhau những món quà được sản xuất riêng cho người tay chiêu để họ thuận tiện hơn trong cuộc sống cũng như thể hiện sự quan tâm lẫn nhau giữa những con người.

Thực ra, phong trào bảo vệ những người thuận tay trái có ở Mỹ từ hơn 50 năm trước đây. Đó là khi một cảnh sát tay chiêu bị sa thải khi từ chối đeo bao da đựng súng lục ở phía bên phải. Sau đó một phong trào nổ ra nhằm đấu tranh bảo vệ viên cảnh sát và cuối cùng anh ta đã nhận được trở lại làm việc trong ngành.

————-

Những thiên tài tay chiêu
Trong số các tướng lĩnh, các chính trị gia tay chiêu từ cổ đến kim mà không ai không biết đến có thể liệt kê ra một danh sách dài. Đó là các vị tướng, hoàng đế: Gaius Lulius Caesar, Alexandr Makedonskiy, Napoleon Bonaparte, Karl Velikij, Nữ hoàng Victoria, Thủ tướng Anh Winston Churchill, nữ thủ lĩnh "cuộc chiến 100 năm" người Pháp Jeanne d"Arc, Chủ tịch Cuba Fidel Castro, thái tử Charles. Hay trong số các vị Tổng thống Mỹ có người thuận tay trái như G.Bush "bố", Gerald Ford và Bill Clinton, Barack Obama…

Trong địa hạt văn học nghệ thuật. những thiên tài tay chiêu cũng ấn tượng không kém. Trong hội họa có Leonardo da Vinci, 1 thiên tài toàn năng. Cùng thời với da Vinci còn có Michelangelo Burronagoti, Rare Raphael cũng là người thuận tay trái. Ngoài ra còn có thể kể đến Peter Rubens, Albrecht Durer hay Paplo Picasso…

Về âm nhạc, người thuận tay trái đó là thiên tài Wolfgang Mozart, nhà cách tân vĩ đại Nikkolo Paganini, Sergey Rahmaninov, thành viên nhóm The Beatles huyền thoại – Paul McCartney…

Trong văn học có nhà viết truyện cổ tích Hans Christian Andersen, đại văn hào L.Tolstoy, Frants Kafka. Thậm chí có người còn viết cả tiểu thuyết rất hay về người thuận tay trái: Nhà văn Anh Luis Carroll viết cuốn Alice trong gương dưới dạng truyện cổ tích. Và nhà văn Nga Nicolay Leskov cũng viết một câu chuyện cổ tích có nội dung tương tự. Điều thú vị là cả hai nhà văn này cũng là những người tay chiêu.

Trong điện ảnh, danh sách những người tay chiêu không thể đếm xuể, nhưng không thể không nhắc đến "vua hài" Charles Chaplin, Nicole Kidman, nữ minh tinh Marilyn Monroe, chính cô đào này khẳng định: Người tay chiêu hôn nhau nồng thắm tuyệt vời hơn người thuận tay phải.

Còn trong khoa học có thể nhắc đến "Bộ óc vĩ đại nhất thế kỷ 20" – Albert Einstein, nhà vật lý Isaak Newton, nhà triết học cổ đại Aristote… hay người từng giàu nhất thế giới Bill Gates.

Có một truyền thuyết là hầu hết gấu bắc cực đều thuận tay trái (cái này chả biết ai đã kiểm chứng chưa nữa )

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *