Cứ đến mục “Thông tin quảng cáo”, thằng Mít lại giỏng tai nghe cái câu nó thuộc lòng: “Bố ở đâu về ngay… Ai nhìn thấy bố tôi… Bệnh tâm thần… Chân đi dép nhựa Trung Quốc…”. Bệnh tâm thần là gì nhỉ? Nghe phát tin, bố Mít đã quát mẹ: “Sao em lại báo tin là ông già bị bệnh tâm thần?” – “À, bạn em khuyên nên nhắn vậy, người ta đỡ thắc mắc…”. …
Cứ đến mục “Thông tin quảng cáo”, thằng Mít lại giỏng tai nghe cái câu nó thuộc lòng: “Bố ở đâu về ngay… Ai nhìn thấy bố tôi… Bệnh tâm thần… Chân đi dép nhựa Trung Quốc…”. Bệnh tâm thần là gì nhỉ? Nghe phát tin, bố Mít đã quát mẹ: “Sao em lại báo tin là ông già bị bệnh tâm thần?” – “À, bạn em khuyên nên nhắn vậy, người ta đỡ thắc mắc…”.
– Nếu nghe ti vi, bố sẽ không khi nào về nữa đâu!
Thế là cái tivi cũng không nhắn ông nội về được! Đúng lúc ấy, Mít thấy bố nhìn ra cửa: “A! Cậu bạn cũ ở đội đặc nhiệm đến giúp!”. Người lạ mặt cao lớn bước vào, ôm lấy Mít như thể đã quen biết từ lâu. Chú ấy bảo bố:
– Hết bọn trẻ, giờ lại đến các cụ đi bụi đời! Ba tháng rồi hả? Cậu đã báo cho ai ở đồn?
– Tay đó… Người ta bảo nếu mất xe Dream mà hẹn cưa đôi cho nó một nửa thì tìm thấy ngay. Còn mất ông cụ…
Mẹ Mít nhếch mép:
– Ông bạn đặc nhiệm ơi, có tặng cả ông cụ, cũng không ai lấy!
Ba người lớn bỗng lặng thinh. Mít lo lắng hỏi: “Chú nhiệm ơi, chú không đòi chia đôi ông nội chứ?”.
– À, ra tên mình là Đặc Nhiệm… Này sao các cậu không nhắn tin: “Mít ốm nặng. Ông về ngay”.
Mẹ Mít kêu: “Nói dại!”. Nhưng Mít giục: “Mẹ cứ báo tivi đi!… À… Nhưng ở đấy không có tivi thì sao?”.
– Ở đấy là đâu hả cháu? Này, các cậu phải cho mình thằng Mít làm máy dò người thôi. Giống như người ta đi dò nguồn nước ấy… Nào, nói chú nghe thử!
Hôm ấy, có một ông cụ bé tí vào nhà ôm lấy ông nội. Nội bảo xưa nội đã cùng ông ấy đánh chìm tàu địch. Bài học thuộc lòng trong sách lớp một của Mít nói về ông ấy đấy. Ông anh hùng bây giờ bé tí, nhăn nheo như những củ khoai tây héo đem tặng nhà mình. Nội bảo đó là do sức ép của bom.
– Cháu với ông thích ăn khoai! Nhưng mẹ đem cho hết…
Đến đấy, chú Đặc Nhiệm không thể hiểu gì hơn. Bố Mít chỉ nói: “Có lẽ cụ bô Yôga nhầm, tính nết cứ như người tẩu hỏa nhập ma. Ông bạn cụ nhớ ra việc bận, xin ra tàu về ngay. Hôm sau, cụ bô tuyên bố về quê chơi. Bọn mình thì đang bận xây nhà… Ba tháng sau, có người ở quê ra, mới biết cụ đâu có về quê!”. Mẹ Mít im lặng (Rặt khoai non! Cụ cứ thử họp cả tổ hưu lại, đố gọt nổi đống khoai ấy! Mình tống khứ tất cho bọn thợ xây. Sao cụ dễ chạm nọc thế?). Một lúc sau, chị nói giọng thành kính:
– Đã bói một quẻ thiêng lắm. Ngài phán là ông cụ đang ở nơi sông nước…
Bỗng Mít kêu lên:
– Đúng đấy chú ạ!
– Sao cháu biết?
– Hôm ấy trời mưa to. Ông gấp cho cháu cái thuyền thả ra sân, tí nữa thì lật úp. Ông nói hôm đánh tàu địch, trời cũng bão. Rồi dặn cháu ở nhà ngoan, ông đi tìm cái mảnh vụn tàu về cho cháu mang tặng lớp, rồi cô giáo sẽ cho điểm tốt.
– Thế Mít đọc bài thuộc lòng trong sách lớp một chú nghe thử.
– Bài ấy khó thuộc lòng lắm, cháu bị cô cho điểm 1 mà!
– Nào, thế thì đưa sách ra đây! Mà ngữ này thì liệu có còn sách nữa không chứ?
Quyển sách lớp một hóa ra lại là bản đồ dẫn hai chú cháu tới chỗ ông nội. Quê ông anh hùng lại chính là nơi xưa ông đã đánh chìm tàu Amyô Đanhvin. Ông anh hùng bé tí bảo với chú Đặc Nhiệm là ông nội đang chở xe thuê ngoài bờ biển: “Tính ông vậy đó, đâu có chịu bó tay!”.
Thấy ôtô, xe máy, xích lô nào chú Đặc Nhiệm cũng giục Mít nhìn kỹ người lái. Tới chiều ta, người tắm biển đã về hết. Giữa con đường phi lao vi vút, Mít bỗng thấy một cái xe rất lạ. “Xe ngựa đấy! Cháu không biết à?”. “Dạ cháu có thấy trên tivi…”. Bỗng Mít buông tay chú, ào chạy tới. Con ngựa chồm lên.
– Ông ơi!
Chú Đặc Nhiệm ngạc nhiên nhìn ông nội ghìm ngựa bước xuống. Không phải ông già “Khốt ta bít” như anh vẫn hình dung. Thời gian chưa làm sụp đôi vai và ánh chiều ta hắt lại trên gương mặt những nét như tạc khiến anh liên tưởng bức tượng Tào Mạt.
… Hôm sau, trên bãi cát, chú Đặc Nhiệm ngồi ngắm hai ông cháu. Họ vừa xây xong cả một tòa lâu đài, núi non. Ông Mít không nhặt được một mảnh vụn nào của chiếc tàu xưa. Biển đã cuốn hết.
– Ông ơi, bố xây xong nhà mới rồi, ông về đi.
– Chú dẫn cháu về trước, để bố mẹ yên tâm. Hết hè, vắng khách, ông lại về với cháu.
Đứa bé ôm chặt lấy ông. Đây là cuộc chia ly đầu tiên của nó.
Đặng Anh Đào