Truy Mộng – Chương VI

Thoạt tiên nhà sư tưởng như là bên trong hộp là một nơi quen thuộc mà chàng đã lãng quên – có lẽ căn phòng của chàng khi còn nhỏ, hoặc là một căn phòng bí mật trong chùa đã ẩn giấu cho đến lúc này. …

Chương 6

Thoạt tiên nhà sư tưởng như là bên trong hộp là một nơi quen thuộc mà chàng đã lãng quên – có lẽ căn phòng của chàng khi còn nhỏ, hoặc là một căn phòng bí mật trong chùa đã ẩn giấu cho đến lúc này.

Trong phòng không có vật gì khác ngoài một tấm gương nằm trong góc. Phía trong gương tỏa một ánh sáng dìu dịu, như là ánh nắng vào những giây phút cuối của ngày.

Nhà sư nhặt tấm gương lên.

Trên mặt sau của tấm gương là một hình vẽ. Trong đó là hai người đàn ông: một là một người sang trọng, kiêu ngạo với đôi mắt sắc và hàm râu xám. Hình thứ hai chính là nhà sư, mặc dù nó bị phủ bụi dơ và mốc lên.

Nhà sư lật mặt kiếng trở lại và nhìn vào đó.

Chàng thấy một cô gái có đôi mắt xanh như được vẽ từ ánh sáng. Khi nàng thấy nhà sư nhìn mình, khuôn mặt nàng thoắt buồn.

“Tại sao chàng lại đến đây?” nàng thì thầm, buồn bã. “Thiếp đã đổi mạng mình cho chàng.”

“Cô đã ngủ trên bậc cửa,” nhà sư đáp. “Tôi không thể gọi cô dậy.”

Nàng lắc đầu. “Thiếp theo sau bọn Baku,” nàng kể. “Thếp đến những nơi Baku đến, và cũng ở đó khi chúng ăn giấc mơ, và thiếp đã lén vào giấc mơ của chàng khi chàng ngủ. Thiếp ở đó khi cha chàng tặng cho chàng cái hộp, và khi chàng thức, thiếp giữ lại cái hộp, và khi ông chàng đưa chìa khóa, thiếp đã giữ lại nó luôn.

“Ngày hôm sau thiếp theo dõi chàng, và khi đêm đến thiếp ngủ trên ngưỡng cửa phòng chàng, nơi mà giấc mơ đó đang trên đường đến với chàng, và thiếp ngủ. Thiếp nhìn thấy giấc mơ luồn qua trong bóng tối, và thiếp cướp lấy nó và lấy nó làm của mình. Trong giấc mơ thiếp tra chìa khóa vào ổ, và nó mở, rộng lớn như bầu trời, rồi thiếp đã không tự chủ được và bước vào.

“Khi ấy thiếp rất sợ, bởi vì thiếp đã bị giam trong hộp, và không thể tìm đường về nữa. Thiếp đã lạc mất con đường dẫn đến thân thể của mình. Thiếp đã rất buồn và lo sợ, nhưng đồng thời cũng rất tự hào, vì thiếp biết mình đã cứu mạng chàng.”

“Tại sao nàng lại hi sinh cho ta?” nhà sư hỏi, dù chàng đã biết lý do mà nàng làm vậy.

Thiếu nữ mỉm cười. “Tại sao chàng lại đi tìm thiếp?” nàng hỏi. “Sao chàng lại đến đây?”

“Vì ta lo lắng cho nàng,” chàng nói.

Đôi mắt nàng cụp xống. “Vậy – giờ chàng đã đến đây, và đã biết được sự thật – chàng phải biết rằng đến lúc chàng ra đi. Thiếp đã cứu được chàng. Gã onmyoji kẻ thù chàng sẽ chết, và chàng có thể trở lại chùa, tiếp tục trồng khoai và bí, và rồi khi có dịp, hãy cầu nguyện cho thiếp.”

“Ta đến để cứu nàng,” nhà sư đáp. “Đó là trách nhiệm của ta.”

“Và chàng làm thế nào để giải thoát cho ta?” cô gái buồn bã đáp. “Chàng có thể đập vỡ miếng kính hay sao?”

“Không,” nhà sư nói. “Ta không thể.” Rồi chàng đọc tên đã được viết trên lá bùa mà Binzuru Harada đã trao trên cầu. Mộng Đế xuất hiện bên cạnh chàng.

Ngươi đã sẵn sàng rời khỏi nơi đây chưa? Ngài hỏi.

“Chúa công,” nhà sư nói. “Thần là một hòa thượng. Thần không sở hữu vật gì trừ cái chén khuyết thực. Nhưng giấc mơ mà hồ ly nữ mơ là giấc mơ của thần. Thần muốn nó được trả về cho thần.”

Nhưng, nhà vua đáp, nếu ta trả giấc mơ lại cho ngươi, ngươi sẽ phải chết thay cho nàng.

“Thần hiểu điều đó,” nhà sư trả lời. “Nhưng đó là giấc mơ của thần. Thần sẽ không để hồ ly nữ chết thay thần.”

Mộng Đế gật đầu. Khuông mặt ngài không đổi, nhưng nhà sư thấy dường như ngài thoáng buồn, nhưng ngài cũng hài lòng, và vị hòa thượng trẻ biết mình đã yêu cầu đúng.

Mộng Đế giơ tay, và miếng kính nằm trống trơ trên mặt đất, và con cáo đứng bên cạnh nhà sư trong bóng tối.

Ngươi đã chọn lựa đúng, dù phải hi sinh một chút, Mộng Đế nói với nhà sư. Vì vậy ta sẽ ban cho ngươi một đặc ân. Ngươi có thể giã từ hồ ly nương.

Thiếu nữ vội quỳ xuống ôm chân Mộng Đế. “Nhưng ngài đã hứa giúp thiếp!” nàng giận dữ nói.

Và ta đã giúp ngươi rồi.

“Chuyện này thật không công bằng,” nàng nói.

Không, Mộng Đế đáp. Không công bằng.

Và rồi ngài để hai người một mình trong căn phòng đó.

Đó là tất cả những gì mà câu chuyện đã kể cho ta nghe về giờ phút ấy: rằng ngài đã cho họ một mình trong căn phòng để giã từ. Có lẽ họ đã nói lời tạ từ, một cách lúng túng, khoảng cách giữa họ – một người đã rời bỏ mọi cám dỗ của thế gian, và một hồ ly tinh – không thể xóa bỏ được. Cũng có thể lắm.

Nhưng nếu ta nhớ lại tất cả mà họ đã làm cho nhau, cho đối phương, người ta có thể phỏng đoán là lúc ấy, họ đã ân ái. Hoặc là họ mơ như thế.

Có lẽ.

Khi họ đã giã từ xong, Mộng Đế lại xuất hiện.

Bây giờ mọi việc sẽ trở lại đúng vị trí, ngài nói, và nhà sư thấy mình trong gương.

“Thiếp có thể đổi mạng cho chàng,” nàng buồn bã nói.

“Hãy sống,” nhà sư đáp.

“Thiếp sẽ trả thù cho chàng,” hồ ly nói. “Gã onmyoji đã làm hại chàng sẽ biết được thế nào là lấy đi vật của hồ ly tinh.”

Nhà sư trong gương nhìn cô gái. “Đừng tìm cách trả thù, mà hãy tìm lời Phật tổ,” chàng nói. Và rồi xoay bước vào trong đáy gương, chàng biến mất.

Con cáo lại ngồi trong nơi hoang vắng toàn là đá bên cạnh con cáo khổng lồ của giấc mơ.

“Tất cả mọi thứ ta làm,” nó nói, “mọi việc ta là đều là vô ích.”

Không có gì là vô ích cả, con cáo giấc mơ đáp. Không gì là vô dụng. Ngươi đã lớn hơn, và ngươi đã biết tự quyết định, và ngươi không còn là hồ ly trước kia nữa. Hãy nhận lấy bài học, và tiếp tục sống.

“Bây giờ chàng ở đâu?” nó nói.

Thân xác y vẫn còn trên giường trong chùa. Linh hồn y sẽ đến nơi mà nó đến.

“Vậy là chàng sẽ chết,” cáo nói.

Đúng, ngài đáp.

“Chàng nói ta không được tìm trả thù, mà tìm Phật tổ,” hồ ly tinh buồn bã nói.

Lời khuyên rất đúng, con cáo của giấc mơ nói. Trả thù có thể là con đường không có kết thúc. Ngươi sẽ khôn ngoan để tránh nó. Và …?

“Tôi sẽ tìm Phật tổ,” con cáo nhỏ đáp, và lắc đầu. “Nhưng trước tiên tôi sẽ trả thù.”

Nếu ngươi đã quyết, con cáo của giấc mơ đáp, và con cáo nhỏ không thể đoán được ngài đang vui hay buồn, hài lòng hay bất bình.

Và chỉ một cái phất đuôi, con cáo lớn đã biến mất vào khoảng không của giấc mơ, để lại con cáo nhỏ cô độc hơn bao giờ hết.

Nó tỉnh giấc trong ngôi chùa trên đỉnh núi, bên cạnh nhà sư. Đôi mắt chàng nhắm nghiền, hơi thở ngắn và da xanh màu của biển.

Đã nói lời giã biệt với nhà sư, nhưng vẫn còn nhìn thấy thân thể ấy ở đó, thật là đau lòng. Nhưng nàng ở lại với chàng, và chăm sóc thân xác đó.

Chàng chết bình an vào ngày hôm sau.

Đám tang của chàng rất nhỏ, trong ngôi chùa, và chàng được chôn bên sườn núi, bên cạnh những nhà sư khác đã chăm sóc ngôi chùa hàng trăm năm trước kia.

Một lần trăng tròn đã đến rồi đi, và vầng trăng khuyết cao vòi vọi trên bầu rời, mà Âm Dương đạo trưởng vẫn còn sống. Hơn thế nữa, ông còn thấy sự sợ hãi của mình đang chết dần.

Ông lấy hộp sơn mài, chìa khóa đen, và những cái đĩa sứ, cuộn trong mảnh khăn lụa (bây giờ chỉ có hình ông, vì hình kia đã không còn gì ngoài một vết ố vàng), và vào một đêm khuya, ông chôn nó dưới rễ một cây cổ thụ mà xưa kia đã bị sét đánh đến hình dáng vẹo vọ thành hình thù kinh khiếp.

Ông khoan khoái thấy mình được sống. Vui sướng hơn bất cứ lúc nào. Đó là những ngày hạnh phúc đối với onmyoji.

Mặt trăng lại một lần nữa tròn vành vạnh trên bầu trời khi một công nương đến viếng ông để xin xem bói. Sương mù giăng dày đặc vào ngày hôm ấy, và nó cuộn xoáy tròn vào đến tận nhà vị onmyoji.

Nàng trả cho những lời tiên tri của ông bằng những đồng vàng cũ đến nỗi những hình khắc trên đó đã phai mờ, và thứ gạo tốt nhất. Rồi nàng rời khỏi nhà ông trong một cái xe kéo lộng lẫy.

Âm Dương Đạo Trưởng sai một tùy tùng lén rượt theo nàng và điều tra xem nàng là ai, và ở đâu.

Vài giờ sau, gã tùy tùng trả lời. Gã kể thiếu nữ sống trong một dinh thự cũ kỹ nhưng bề thế, chỉ vài ki hướng bắc Kyoto, và chỉ chỗ cho vị onmyoji.

Vài hôm trôi qua. Onmyoji không thể quên được khuôn mặt của thiếu nữ, cũng như dáng đi của nàng, vừa kính cẩn cũng vừa quyến rũ. Ông tưởng tượng được ôm nàng, chạm nàng, và sở hữu nàng.

Khi ông nhắm mắt lại nàng hiện ra trước mặt ông: tóc nàng, dài mượt và đen; mắt nàng, màu của nõn lá xanh trong nắng xuân; bàn chân nàng, nhẹ như hai con chuột nhỏ; vẻ thanh thoát của tay nàng trên cánh quạt; và giọng nói, như bài hát trong mơ.

Lúc ông đến với người thiếp, ông nhận ra nàng ta không còn làm ông hứng thú nữa, và ông trở về phòng mình, và viết một bài thơ so sánh tình cảm của ông với thiếu nữ như làn gió mùa thu, làm gợn sóng mặt hồ yên tĩnh, và trao cho người tùy tùng mang đến cho nàng.

Gã tùy tùng đem về lời nhắn của nàng, một bài thơ mô tả ánh trăng trong hồ bị làn gió làm xao động. Tim ông như vỡ òa ra khi đọc được những lời này, khâm phục vẻ đẹp của từng nét chữ.

Ông tham kiến lời khuyên. Bà lão phá lên cười nhạo ông, tiếng cười to và nhiều đến nỗi ông ngỡ bà sẽ đứt ruột mà chết, và không nói gì. Người đàn bà trẻ có bàn tay lạnh lẽo đáp, “Người đàn ông mà cô ta yêu đã chết.”

“Tốt,” vị onmyoji nói. “Vậy hôm nào là ngày tốt để đến thăm cô ấy?”

Nhưng lúc đó cả ba người đều khúc khích cười như thể nhạo báng ông, và ông giận dữ rời khỏi nơi đó.

Chiều hôm sau ông đã đứng trước cổng vị công nương. Ông xin nàng thứ lỗi cho sự đường đột của mình, bảo rằng vì ông bị một lời tiên tri thôi thúc bảo ông phải rồi nhà và đi lên hướng bắc, và rằng ông phải nghỉ qua đêm trên miền bắc trước khi vào thành phố vào buổi sáng.

Nàng mời ông dùng bữa tối.

Ngôi nhà thật lộng lẫy. Ông và vị tiểu thơ cùng ăn một mình, và suốt cả bữa những gia nhân của nàng đem đến những món sơn hào hải vị mà ông chưa từng nếm thứ.

“Ta chưa từng nếm những món nào ngon như vậy!” ông nói, miệng nhai một miếng thịt thơm chấm với nước chấm lạnh.

“Và hãy nghĩ,” vị công nương dịu dàng nói, “nếu tiểu nữ không có ở đây thì đại nhân đã phải ngồi trong một căn nhà rách nát và ăn tối với bọn chuột và nhện rồi.

Sau bữa ăn, ông tỏ rõ ý muốn ân ái với nàng. Công nương rót sake cho hai người rồi trả lời rằng điều đó là không thể.

“Tại sao tiểu nữ phải đứng thứ nhì trong trong tim đại nhân?” nàng hỏi. “Người có một vị phu nhân. Người có một người thiếp. Tiểu nữ sẽ là gì chứ?”

“Ta sẽ là của nàng, của nàng mà thôi,” ông nói.

“Đại nhân nói thế,” nàng nói, “nhưng sau khi chiếm được tiểu nữ rồi thì phu nhân và người thiếp kia sẽ trở nên quyến rũ hơn, và sẽ bỏ người ta ở lại đây. Đại nhân không nên ở lại đây đêm nay. Xe của người sẽ đưa người đến chỗ khác để nghỉ. Nếu khi nào người được do để được yêu muội thì hãy trở lại.”

“Mọi chuyện kể như đã xong!” ông nói.

“Nhưng tiểu nữ cũng không thể thuộc về ngài,” nàng thốt, “khi ngài còn có dinh thự. Bởi vì tiểu nữ muốn ngài đến và sống ở nơi này. Đúng thế, nhà của tiểu nữ có thể là nhà của ngài, sẽ là nhả của ngài mãi mãi. Nhưng nếu ngài đã có nhà rồi, ngài có thể nhớ đến nó, và một ngày kia ngài sẽ rời khỏi tiểu nữ để trở về.” Nàng khẽ chuyển mình, trong thoáng chốc, và vị onmyoji tưởng tượng ông đã trông thấy một chút khe ngực trắng giữa làn vải.

“Ta sẽ hủy ngôi nhà đó,” vị onmyoji nói, trong đầu ông cháy bỏng một ngọn lửa khao khát.

“Còn một chuyện nữa,” tiểu thư nói, đôi mắt xanh của nàng như cháy trong ông. “Đó là phép thuật của ngài. Làm sao mà tiểu nữ có thể trở thành tình nhân, và hiền thê của ngài, nếu biết rằng ngài có thể truyền lệnh cho Tengu và Oni, và trong cuộn sách ngài có lời chú để biến tiểu nữ thành một con chim nếu làm ngài thất ý?”

Nàng cúi đầu xuống để rót thêm rượu sake, làm cho áo nàng bung ra một chút nữa, và vị onmyoji nhìn thấy bầu vú trắng, điểm tô một núm vú hồng như ánh chiều tà. Không cưỡng lại được, ông vươn người tới để ôm lấy nàng, nhưng thiếu nữ khéo léo lui lại, tránh được vòng tay của ông như là vô tình vậy, rồi nàng chúc ông ngủ ngon.

Khi vị onmyoji nhận ra thời gian bên nhau của họ đã hết, ông thở dài thật lớn cứ như là trái đất rung rinh đến nơi. Một cơn điên cuồng đã đến với ông ngay lúc đó, hay là người ta đã truyền tai nhau như thế.

Ngày hôm sau, ở thành Kyoto xảy ra hai vụ cháy lớn . Nơi đầu tiên bị cháy là dinh thự của vị onmyoji, ngôi nhà lộng lẫy thứ mười bảy của cả thành. Ông không bị nghi ngờ liên can về vụ này, vì ông đã rời khỏi nhà từ sớm, trên một chiếc xe chất đầy các cuốn kinh thư pháp thuật. Đó là một trận lửa kinh hoàng, vì vợ và người thiếp và tất cả gia nhân đang ngủ trong nhà đều bị thiêu chết.

Chỗ thứ hai bị cháy là một khu vực tồi tàn ngoại ô thành, trong một xóm nhỏ đầy tai tiếng. Đó là ngôi nhà mà ba người phụ nữ đang trú ngụ, nghe đồn đó là ba nhà tiên tri hay là thầy lang. Không ai biết nếu họ có trong nhà hay không khi phát hỏa, tại vì những thứ mà người ta tìm được trong đống tro tàn chỉ là xương của phụ nữ và trẻ nhỏ.

Chiều hôm ấy Âm Dương Đạo Trưởng đến nhà người thiếu nữ đã chiếm trọn tim ông.

“Dinh thự ta đã bị cháy,” ông nói, “và hai người đàn bà của ta đã chết. Ta không còn ai nữa để yêu ngoại trừ nàng, và không còn nơi nào để trú ngoại trừ nơi đây.”

Nàng mỉm cười nhìn ông, một nụ cười hạnh phúc đến nỗi ông cứ ngỡ rằng mặt trời đã lộ ra và chỉ chiếu sáng cho mình ông.

“Và trong cái xe này,” ông tiếp, “tất cả những kiến thức của ta. Thư văn, bí truyền. Tbùa hộ mạng, gậy phép, và những danh xưng đã cho ta quyền lực trên các tinh linh và ác quỷ, và cho phép ta thốt lời tiên tri. Tất cả mọi thứ, ta đem đến đây để đặt dưới chân nàng.”

Thiếu nữ gật đầu, và gia nhân của nàng đem chiếc xe đi, tháo đồ xuống và đem tất cả đi.

“Đấy,” onmyoji nói. “Ta hoàn toàn là của nàng, không còn gì có thể ngăn cản chúng ta nữa.”

“Vẫn còn một vật ngăn cản hai ta,” nàng bảo. “Y phục của người. Cởi ra đi. Cho ta thấy con người thật sự của người.”

Cơn điên rồ và dục tính cuộn chảy trong mạch máu của vị onmyoji. Ông cởi hết quần áo và đứng đó, trần truồng, trong buổi chiều đầy sương lạnh. Nàng nhặt lấy áo quần của ông, và cầm trên tay.

Ông mở choàng hai tay để ôm lấy thiếu nữ.

Nàng bước lại gần ông. “Bây giờ,” nàng thì thầm. “Ngài không có nhà, không vợ, không thiếp, không phép thuật, không y phục. Ngài đã mất tất cả. Đây là lúc tiểu nữ phải hiến cho ông.”

Nàng đưa tay lên đầu ông và kéo khuôn mặt ông lại gần bờ môi mình, như là sẽ hôn ông, chỉ vừa trên mí mắt.

“Nhưng ngươi sẽ giữ mạng mình,” nàng nói, “vì chàng sẽ không muốn cho ta giết ngươi.”

Những chiếc răng cáo rất nhọn.

Và chỉ với một cái vẫy đuôi, nó đã biết mất.

Người ta tìm thấy Âm Dương Đạo Trưởng trong một căn nhà bỏ hoang đã hai mươi năm trời, từ khi chủ ngôi nhà ấy đã bị tước chức. Có người nói là vì lòng hối hận đã đem ông ta đến đó, tại vì mười lăm năm trước, vị onmyoji đã hiến kế cho một vị đại quan đã làm gia tộc ấy sụp đổ.

Ông ta trần truồng, xấu hổ, và trở nên điên rồ.

Có người bảo rằng tại vì vợ và thiếp ông chết trong đám cháy nên ông đã phát điên. Người khác nói rằng vì ông đã bị mất con mắt, trong khi những kẻ tin dị đoan xì xào rằng ông bị hồ ly ám.

Những đồng nghiệp cũ tránh mặt ông trong những ngày sau đó, khi họ thấy ông ăn xin trên đường, mình khoác áo tả tơi, và trên đầu chỉ quấn miếng giẻ để che khuôn mặt dị dạng.

Ông ta sống trong đau khổ, bẩn thỉu và điên cuồng cho đến chết, không tìm thấy hạnh phúc trong đời, chỉ trừ khi ông mơ.

Nhưng cuộc đời ông ta, sau này, và cái chết của ông ấy, không một truyện cổ nào nói đến cả.

“Vậy thì có ích gì chứ?” con quạ hỏi.

Ích? Mộng Đế hỏi.

“Phải,” con quạ đáp. “Nhà sư đã định phải chết, đã chết. Hồ ly muốn cứu y, đã không cứu được. Gã onmyoji đã mất tất cả. Vậy ngài chấp thuận lời ước của hồ ly để làm gì?”

Nhà vua nhìn về phía chân trời. Trong mắt ngài, một ngôi sao lóe lên rồi lụi tàn.

Những bài học đã được học, hoàng đế đáp. Sự kiện xảy ra như đã định. Ta không thấy là sự chú ý của ta là vô ích.

“Bài học đã được học?” con quạ đáp, rỉa lông cổ, và ngẩng cao đầu lên. “Bởi ai?”

Tất cả bọn họ. Nhất là vị hòa thượng.

Con quạ kêu lên một tiếng trong cổ họng, và nhảy từ chân này sang chân khác. Có vẻ nó đang tìm từ ngữ. Nhà vua kiên nhẫn nhìn nó với đôi mắt đen. “Nhưng gã đã chết rồi,” con quạ nói, sau một hồi lâu.

Nói đến chuyện đó, ngươi cũng vậy, quạ ạ, nhưng trong việc này cũng có bài học cho ngươi nữa đấy.

“Vậy ngài có học được bài học không?” con quạ đã từng là nhà thơ, hỏi.

Nhưng hoàng đế xanh xao không trả lời, và ngồi im lặng, chăm chăm nhìn về phía chân trời, rồi sau một hồi lâu con quạ cất cánh bay vào trong bầu trời của giấc mộng, để nhà vua ở lại một mình.

Và đó là câu chuyện của con cáo và nhà sư.

Hay gần như là tất cả. Tại vì những người đã từng mơ đến một xứ sở xa xôi, nơi bọn Baku sinh sống, kể lại rằng họ đã trông thấy hai nhân ảnh, dường như là một nhà sư và một con cáo, hoặc là một người đàn ông và đàn bà.

Người khác thì nói không phải, và rằng ngay cả trong mơ và cái chết, nhà sư và con cáo vẫn ở trong hai thế giới khác nhau, như khi họ còn sống, và họ sẽ vĩnh viễn ở trong hai thế giới khác nhau.

Nhưng những giấc mơ thì là những điều kỳ lạ, và ngoại trừ Mộng Đế, không ai trong chúng ta có thể biết rằng chúng là thực hay ảo, hay những gì chúng sẽ nói cho ta về những tháng ngày sắp tới.

————-

Lời kết

Quyển sách bạn cầm trong tay nợ nhiều người cho sự xuất hiện của nó. Một số người thì rõ ràng rồi, còn số khác thì không.

Một trong những người không ngờ đến nhất, ví dụ nhá, là Harvey Weinstein của hãng Miramax Films, bởi vì hơn năm trước Harvey đã mời tôi viết lời tiếng Anh cho bộ phim “Princess Mononoke” của Hayao Miyazaki.

Trong quá trình chuẩn bị viết, tôi phải đọc tất cả các quyển sách về lịch sử và truyền thuyết của Nhật Bản mà tôi có thể tìm được, và trong cuốn Truyện Cổ của Nhật Bản xưa (của Rev. B. W. Ashton) tôi đọc được câu chuyện mà Mr. Ashton gọi là “Con cáo, Nhà sư, và Vị Mikado của Các Giấc mơ” và hoàn toàn kinh ngạc vì sự giống nhau giữa câu chuyện cổ tích của Nhật Bản và bộ truyện Sandman của tôi.

Nhưng lúc ấy thì Sandman cũng đã kết thúc, và tôi còn có truyện khác để viết, nên không nghĩ đến chuyện đó nữa.

Vài tháng sau, cô Jenny Lee biên tập viên của nhà xuất bản Vertigo nhất quyết thuyết phục họa sĩ nổi danh của Nhật, ông Yoshitaka Amano, để vẽ Dream trong nhóm Endless để bắt đầu buổi kỷ niệm mười năm phát hành Sandman.

Tôi rất thích bức tranh vẽ của ông. Tôi yêu cách nhân vật được khắc họa: đây là Morpheus, nhưng là một Morpheus mà tôi chưa bao giờ viết.

Không lâu sau khi tôi xem bức họa thì cô Karen Berger, người biên tập cho bộ Sandman của tôi suốt thập kỷ qua, gọi và hỏi tôi có muốn viết một truyện Sandman để kỷ niệm mười năm không.

Tôi hỏi cô ấy có cho phép tôi kể lại một truyện cổ tích cũ của Nhật theo ý tôi không, và cô đồng ý.

Chúng tôi hỏi Mr. Amano có muốn vẽ truyện đó không. Ông ấy đồng ý, nhưng với một điều kiện: mặc dù ông thích đọc truyện tranh, nhưng ông ấy không thích vẽ chúng. Tuy nhiên, ông nói ông sẽ rất vui để được vẽ minh họa. Cũng được thôi, tôi nghĩ. Thay vì kể chuyện “Con cáo, Nhà sư, và Vị Mikado của Các Giấc mơ” theo kiểu truyện tranh, thì lần này tôi sẽ viết theo thể truyện dài.

Tôi đề nghị Mr. Amano và các trợ lý anh dũng của ông, Ann Yamamoto và Maya Shioya, tìm cho tôi các phiên bản khác của câu chuyện bằng tiếng Anh.

Phiên bản mà họ tìm cho tôi là từ cuốn tổng hợp những truyện cổ Nhật của Y.T. Ozaki: một phiên bản kỳ lạ trong đó Mộng Đế chỉ là một hình tượng mờ nhạt, ít được nhắc đến, dường như là một con rồng, và trong đó nhân vật chính là Onmyoji, Âm Dương Đạo Trưởng. (Tôi nợ cuốn này khi viết Chương Ba, và chương cuối.) Họ cũng cho tôi xem một bản kinh Phật trong đó chuyện chỉ được ám chỉ đến và trong đó ông già trên cầu được đặc biệt nói rõ ra là Binzuru Harada.

Phần còn lại, tôi hòan toàn chịu ảnh hưởng của vị mục sư đáng mến. Trong khi tôi đang viết những lời này, tôi có bản Truyện Cổ Tích của Nhật Bản Xưa nằm trên bàn ngay trước mặt tôi. Bìa da đã bị biến dạng và mất màu, trang giấy bị gặm, hoen ố, và hơi bị mốc. Tôi cảm thấy một niềm hãnh diện kỳ lạ, mặc dù với sự hao mòn của cuốn sách, tôi vẫn là người đầu tiên đọc nó: nhiều trang sách vẫn còn chưa được cắt ra. Lúc đầu tôi dùng con dao rọc thư để mở nó ra, nhau về sau tôi nhận thấy dùng ngón tay xé ra thì dễ hơn nhiều.

Tôi đã cố hết sức để nhấn mạnh, phát triển và kể lại câu chuyện, trong khi vẫn cố không đi xa quá. Nhiều phần của truyện cũ gần với Sandman đến mức tôi không dám để vào luôn, nếu đã không ở đó rồi: con Itsumade (đã nói “đến khi nào” trên nhánh cây trong Hoàng Cung) chính là con gryphon (và gần như trở thành nó luôn trong hình minh họa của Amano-san); trong khi hai người đàn ông mà nhà sư thấy trên đường đến lâu đài có thể là, tôi chắc chắn, không ai khác hơn là Cain và Abel; nhưng những người nghiên cứu truyền thuyết xin hãy tha thứ cho tôi, bởi một cái gạch của cây viết và tim tôi, đã đổi chim Hototogisu của Ashton thành con chim quạ.

Trong khi cố gắng kể lại câu chuyện tôi đã phạm phải một số sai lầm (trong vài trường hợp, tôi khám phá ra tôi đã kết hợp vài lỗi lầm của Ashton luôn). Steve Alpert, của Studio Ghibli, đã bắt được và sửa một vài lỗi này cho tôi, cũng như những người khác ở Ten Productions. Các lỗi khác, tôi chắc chắn, vẫn còn nằm trong truyện, cho những đôi mắt nhanh nhẹn phát hiện.

Cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trong cuốn sách này, xin cảm ơn những người cộng tác viên của tôi, sống hay là chết, và những người bạn.
Neil Gaiman
May 11, 1999

Đối với tôi sự cộng tác này là lời chào đầu tiên của tôi và Neil trong một mối quan hệ sẽ phát triển nhiều mặt trong tương lai. Tôi rất ngưỡng mộ sự chân thành của anh ta, và tôi chia sẻ với sự kiên trì trong công việc của anh. Dường như là định mệnh khi hai con đường của chúng tôi sẽ gặp nhau. Đây chỉ là bắt đầu.
Yoshitaka Amano

Theo nguồn tin không chính thức trên mạng (cụ thể: wikipedia.org), câu chuyện về “Con cáo, Nhà sư, và Vị Mikado của Các Giấc mơ” (nguyên văn “The fox, the monk, and the Mikado of All Night’s Dreaming”) là do Neil … bịa ra chơi, chứ thật ra truyện Dream Hunters này hoàn toàn do ông ta viết. Trong cuốn Japanese Old Fairy Tales không hề có câu chuyện này. Hơn nữa trong lời thuật của Neil cũng có điểm đáng nghi về hai người đàn ông chính xác là Cain và Abel mà ông bảo là có trong nguyên tác của truyện cổ, cho dù hai truyện giống nhau nhưng có thể nào giống nhau dữ vậy không? Thêm vào đó, vai trò của hai người này nếu đặt trong một truyện cổ tích Nhật Bản thì không có ý nghĩa gì cả.

Dịch giả: mhd
Nguồn: truyentranh.com

————-

Nếu bạn ko muốn đọc ở đây, có thể download bản *.doc offline này về, ko biết cái này tôi upload từ năm nào rồi, chắc là vẫn còn banwidth :yuck:

Download Here

3 Replies to “Truy Mộng – Chương VI”

  1. oh,truyện này hay quá.e rất thik thể lọai liêu trai này…chúc a 1 tuần mới vui vẻ

  2. Thế thì e nên tìm đọc truyện của Neil Gaiman, truyện của ôg này đọc phê lắm, rất kỳ bí, phog cách xen lẫn giữa phươg Đông và phươg Tây, giọg văn lại rất cuốn hút, hình như ôg này có cả 1 series nói về Sandman 😀 Để hnào rỗi a tổng hợp ít truyện của Gaiman :)Àh mà nick e có nghĩa là Long phi bất bại đúg ko nhỉ, chắc e cũg đọc bộ truyện tranh này àh 😛 hồi trc’ a thích đọc bộ này lắm 😡

  3. ui,lâu lắm rồi moi vào lại opera vì chủ yếu e chăm blog plus hơn. Nick e đúng là Long phi bất bại đấy ạ(vì e tên là long phi mà^^)và dĩ nhiên e đã nghiền hết bộ đấy rồi.e thik đọc kiểu truyện liêu trai này lắm,”Cõi luân hồi” rất hay,e đọc chương cuối là nc mắt ròng ròng(con gái mà)rất thik blog của anh^^rảnh rỗi a ghé qua blog plus của e chơi nhé

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *